Các hướng nghề nghiệp ngành Hệ thống thông tin quản lý

Khi công nghệ càng phát triển thì nhu cầu nhân lực về lĩnh vực này càng gia tăng. Ngành HTTTQL đào tạo nguồn nhân lực tư vấn, triển khai, vận hành và quản trị các hệ thống thông tin quản lý, hay cụ thể hơn là các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và có lợi thế cạnh tranh hơn. Tùy theo đặc trưng của mảng nghiệp vụ cần quản trị trong doanh nghiệp, ta có thể tạm phân loại các giải pháp hệ thống thông tin quản lý thành các mảng:
1. Hệ thống ERP: Quản trị tích hợp toàn bộ các hoạt động bên trong của một doanh nghiệp, bao gồm Quản lý nhân sự; Kế toán; Sản xuất; Các hoạt động logistics như giao/nhận, mua hàng, bán hàng; ...
2. Hệ thống Data warehouse, Big Data và Business Intelligence: Quản trị toàn bộ dữ liệu quá khứ của doanh nghiệp, phân tích và cung cấp những thông tin hữu ích và kịp thời cho nhà quản trị trong việc ra các quyết định kinh doanh.
3. Hệ thống CRM: Quản trị mối quan hệ khách hàng và toàn bộ các hoạt động liên quan đến khách hàng như tiếp thị, khuyến mãi, chiết khấu, phân tích hành vi tiêu dùng, ...
4. Hệ thống SCM và SRM: Quản trị toàn bộ các hoạt động liên quan đến chuỗi cung ứng và mối quan hệ nhà cung cấp.
Hiện nay, trong các DN có rất nhiều cơ hội việc làm khác nhau mà sinh viên ngành HTTTQL có thể đảm trách. Nhiều quan điểm cho rằng ngành HTTTQL khi tốt nghiệp cơ hội việc làm liên quan nhiều đến lập trình, nhưng mảng lập trình chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều các hướng nghề nghiệp khác nhau liên quan đến ngành HTTTQL. Các hướng nghề nghiệp của ngành HTTTQL rất đa dạng và cơ hội nghề nghiệp liên quan mật thiết đến các dự án phát triển và triển khai các giải pháp công nghệ thông tin trong tổ chức, doanh nghiệp. 
Có thể phân loại các doanh nghiệp có tuyển dụng nhân lực ngành MIS thành 3 nhóm: Nhà cung cấp giải pháp hệ thống thông tin quản lý, Đơn vị tư vấn, giám sát và triển khai, Doanh nghiệp sử dụng/được triển khai. Trong đó, mỗi nhóm doanh nghiệp đều có các nhu cầu khác nhau về nguồn nhân lực ngành HTTTQL. Hình ... thể hiện mối tương quan giữa 3 nhóm doanh nghiệp này. 
...
Có rất nhiều giải pháp hệ thống thông tin quản lý đang được cung cấp tại Việt Nam, từ những giải pháp hiện đại nhất trên thế giới hiện nay được cung cấp bởi các tập đoàn hàng đầu như SAP, Oracle, Microsoft cho đến các giải pháp được cung cấp bởi các công ty trong nước như FAST, MISA, Sài Gòn Tâm Điểm, ... Bên cạnh đó, tại Việt Nam hiện nay cũng đang chứng kiến sự phát triển của không ít các đơn vị chuyên triển khai ERP trong nước như FPT IS (Công ty Cổ phần Hệ thống thông tin FPT), Pythis, Diginet, SSG, CMC, HPT, Lạc Việt, Sao Bắc Đẩu, ... cho đến các tập đoàn lớn trên thế giới như BOSCH, CSC VN, GCS VN, ... Ngoài ra, về dịch vụ tư vấn, giám sát các dự án triển khai hệ thống thông tin không thể không kể đến bốn tập đoàn lớn trong nhóm Big4 gồm PwC, KPMG, E&Y và Deloitte. Theo một khảo sát nhanh, nhóm Big4 trong những năm gần đây đang tuyển dụng rất nhiều sinh viên của ngành HTTTQL, một điều có thể gây ngạc nhiên nếu hiểu sai rằng chỉ có các sinh viên ngành Kế toán – Kiểm toán mới được tuyển dụng tại các doanh nghiệp này. 
Một giải pháp hệ thống thông tin quản lý được triển khai thường sẽ trải qua các giai đoạn:
1. Doanh nghiệp sử dụng lựa chọn Đơn vị tư vấn để được tư vấn lựa chọn Nhà cung cấp giải pháp và Đơn vị triển khai. 
2. Đơn vị triển khai lập dự án triển khai và thông qua Doanh nghiệp sử dụng. Đánh giá quy mô dự án và dự trù kinh phí.
3. Dự án được triển khai.
4. Huấn luyện và vận hành thực tế (go live).
5. Quản trị hàng năm.
Tùy theo quy mô triển khai, mỗi giải pháp có thể có giá trị từ hàng tỷ đến hàng chục tỷ với sự tham gia của rất nhiều nhân lực lao động ngành HTTTQL kéo dài có thể nhiều tháng đến vài năm. Trong mỗi giai đoạn, đều xuất hiện nhu cầu nhân lực về những hướng nghề nghiệp khác nhau của ngành HTTTQL. 
Ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2 vai trò của các Chuyên gia tư vấn giải pháp hệ thống thông tin (Solution advisor) thể hiện qua việc hỗ trợ doanh nghiệp lựa chọn các giải pháp hay một phần của giải pháp phù hợp với thực trạng và nhu cầu tại doanh nghiệp của mình. Các vị trí nghề nghiệp khác như Chuyên viên quản trị dự án (Project manager), Chuyên viên tư vấn nghiệp vụ (Business consultant), Kỹ sư cầu nối (Bridge engineer), Nhân viên kinh doanh (Erp sales), Nhân viên quan hệ khách hàng (Customer Relation) cũng đóng vai trò quan trọng tại giai đoạn này. Bên cạnh kiến thức chuyên môn về hệ thống thông tin quản lý và các giải pháp hệ thống thông tin quản lý, các vị trí nghề nghiệp này còn đòi hỏi người ứng tuyển phải có kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày, ngoại ngữ, am hiểu kiến thức liên ngành, ...
Ở giai đoạn 3, việc triển khai dự án thường bao gồm các công đoạn từ khảo sát và phân tích nhu cầu, yêu cầu của khách hàng cho đến lựa chọn công nghệ, thiết kế giải pháp, xây dựng và cài đặt giải pháp. Các vị trí nghề nghiệp ở giai đoạn này thường đòi hỏi người ứng tuyển phải am hiểu nhiều về công nghệ thông tin và các kỹ năng phân tích, thiết kế quy trình nghiệp vụ, kiến thức về hệ thống, công nghệ phần mềm. Ngoài các vị trí nghề nghiệp như Chuyên viên tư vấn nghiệp vụ, Kỹ sư cầu nối, ở giai đoạn này còn có các vị trí như Chuyên viên tư vấn kỹ thuật (Technical consultant), Chuyên viên phân tích quy trình (Business Analyst), Thiết kế viên (Designer), Lập trình viên (Programmer), Chuyên viên về quản trị Cơ sở dữ liệu (Database Administrator), Chuyên viên tích hợp hệ thống (System Integrated), Chuyên viên kiểm thử hệ thống (Tester), Chuyên viên về Business Intelligence, ...
Ở giai đoạn 4 và giai đoạn 5, việc huấn luyện đòi hỏi những chuyên viên am hiểu về quy trình hệ thống, các chuyên viên này không đòi hỏi phải có kiến thức sâu về công nghệ thông tin nhưng phải biết sử dụng công nghệ thông tin và am hiểu về các quy trình kinh doanh có liên quan. Thông thường, các chuyên viên này được huấn luyện thành các Chuyên viên huấn luyện người sử dụng (power user, hay key user) và được đào tạo từ các nhân viên (phòng công nghệ thông tin) của Doanh nghiệp sử dụng. Sau khi hệ thống đã được đưa vào vận hành, cả Doanh nghiệp sử dụng và Đơn vị triển khai vẫn phải duy trì công việc quản trị, bảo trì và xử lý các vấn đề phát sinh hàng năm. Hầu hết các Doanh nghiệp sử dụng giải pháp hệ thống thông tin lớn, chẳng hạn như Vinamilk, Unilever VN, ..., đều có Phòng Công nghệ thông tin hay Hệ thống thông tin, chuyên xử lý các vấn đề về công nghệ thông tin và hệ thống thông tin quản lý trong nội bộ. Nắm giữ vị trí cao nhất phụ trách về hệ thống thông tin các doanh nghiệp này thường được gọi là vị trí Giám đốc thông tin (Chief Information Officer - CIO).