Tóm tắt
Hòa mình cùng với xu hướng chung của thế giới và sự phát triển nhanh chóng của các lĩnh vực công nghệ ứng dụng trong quản trị doanh nghiệp, tổ chức, ngành Hệ thống thông tin quản lý (Management Information System - MIS) tại Việt Nam đã và đang trở thành một trong những ngành quan trọng cung cấp nguồn nhân lực cần thiết và phù hợp cho nhiều doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin lẫn doanh nghiệp có nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị và phát triển hoạt động kinh doanh. Tại Mỹ, sinh viên tốt nghiệp ngành MIS có mức lương khởi điểm đứng thứ 15 trong tổng số 144 nghề nghiệp được khảo sát. Tại Việt Nam những năm gần đây, sinh viên MIS có trình độ khá giỏi thu hút được sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp cùng với mức lương khởi điểm cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của khối ngành kinh tế - quản lý. Thực trạng này dẫn đến sự cần thiết của việc xây dựng một định hướng đúng đắn cho việc phân luồng trong tư vấn tuyển sinh, sự nhận thức rõ nét về nhu cầu của xã hội đối với các hướng nghề nghiệp có liên quan cũng như việc điều chỉnh và cải tiến các chương trình đào tạo ngành MIS tại các trường đại học hiện nay. Thông qua đó, bài viết này mong muốn cung cấp một góc nhìn tổng quan về các hướng nghề nghiệp ngành MIS đang thu hút nhu cầu nhiều nhất ở các doanh nghiệp hiện nay đồng thời trình bày một số phân tích về những kỹ năng, kiến thức cần thiết mà người ứng tuyển cần trang bị.
1. Giới thiệu
Hệ thống thông tin quản lý (HTTTQL) là ngành học về cách thức vận dụng và triển khai các yếu tố quan trọng của một Hệ thống gồm: con người, công nghệ và cấu trúc tổ chức vào việc quản trị (*: Đại học Arizona, Hoa Kỳ).
Trong thời đại ngày nay, công nghệ ngày càng phát triển dẫn đến các yếu tố về con người và cấu trúc tổ chức của doanh nghiệp (DN) cũng phải chuyển biến để phù hợp và các yếu tố này ngày càng trở nên tích hợp tạo thành một hệ thống thống nhất được tối ưu hóa để mang lại hiệu quả cao nhất trong quản trị. Về mặt công nghệ, hầu hết các doanh nghiệp kể cả ở quy mô vừa và nhỏ cũng như quy mô lớn trên thế giới đều ý thức được sự cần thiết phải triển khai các giải pháp hệ thống thông tin quản lý dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại như các giải pháp ERP Systems (Enterprise Resources Planning – Hệ quản trị các nguồn lực trong doanh nghiệp), thương mại điện tử, môi trường Internet, mạng xã hội và marketing điện tử, ứng dụng trên thiết bị di động, … vào việc tổ chức, quản trị doanh nghiệp cũng như phát triển các hoạt động kinh doanh. Các thuật ngữ đặc trưng của ngành MIS như ERP, Business Intelligence, Big Data, Data warehouse & Data mining, E-Commerce (thương mại điện tử), CRM (Customer Relationship Management – Quản trị mối quan hệ khách hàng), SCM (Supply Chain Management – Quản trị chuỗi cung ứng), SRM (Suppliers Relationship Management – Quản trị mối quan hệ nhà cung cấp), DSS (Decision Support System – Hệ hỗ trợ ra quyết định), AIS (Accounting Information Systems – Hệ thống thông tin kế toán), DMS (Distribution Management System – Hệ thống quản lý phân phối), … ngày càng trở nên phổ biến. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam ngày càng tăng cả ở số lượng lẫn quy mô tổ chức. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn quyết định cải tiến, thậm chí thay đổi hoàn toàn, cơ cấu tổ chức và quản trị thủ công sang việc ứng dụng các hệ thống thông tin quản lý hiện đại như các hệ thống ERP, hệ thống Business Intelligence. Sự phát triển này là rất cần thiết để các doanh nghiệp Việt Nam có thể cải thiện khả năng quản trị từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh khi hội nhập quốc tế và phát triển các hoạt động kinh doanh. Như một điều tất yếu, sự phát triển bùng nổ của số lượng doanh nghiệp ứng dụng hệ thống thông tin quản lý trong quản trị đã kéo theo sự phát triển nhanh không kém của các doanh nghiệp chuyên cung cấp, tư vấn và triển khai các giải pháp này như FAST, GESO, MISA, FPT, CSC, GCS, KMS Technology, …, bên cạnh sự tham gia quyết liệt và có phần áp đảo của các doanh nghiệp nước ngoài có quy mô hàng đầu thế giới như SAP, Oracle, BOSCH, Ernst & Young, Deloitte, PwC (nhóm Big4), … Tất cả điều này đã tạo nên một sự sôi động trong thị trường nhân sự của ngành HTTTQL hiện nay và nhiều năm sắp tới.
Tại Việt Nam trong những năm gần đây, đứng trước nhu cầu ngày càng lớn của xã hội và đặc biệt của doanh nghiệp, số trường đại học có đào tạo ngành HTTTQL (mã ngành 60340405) ngày một gia tăng, cả ở phía Bắc lẫn trong Nam. Ở một số trường, ngành HTTTQL còn được thể hiện dưới tên gọi Hệ thống thông tin kinh doanh (Business Information Systems). Cụ thể, ở khu vực phía Bắc và Trung có các trường tiêu biểu như Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Đại học Thương mại, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, …; ở trong Nam có các trường như Đại học Tài chính – Marketing, Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG Tp.HCM), Đại học Kinh tế Tp.HCM, Đại học Công nghệ thông tin (ĐHQG Tp.HCM), Đại học Ngân hàng, Đại học Hoa Sen, Đại học RMIT, … Ở nước ngoài, hầu hết các trường đại học lớn về lĩnh vực kinh doanh và quản trị đều có đào tạo ngành HTTTQL.
Cũng như những chương trình đào tạo bậc đại học khác, việc gắn kết với nhu cầu thực tế của xã hội, của doanh nghiệp vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của các chuyên gia khi thiết kế và xây dựng chương trình đào tạo ngành HTTTQL ở các trường đại học hiện nay. Để tạo nên sự gắn kết này, việc xác định rõ nhu cầu xã hội thông qua những hướng nghề nghiệp của lĩnh vực MIS đang được được tuyển dụng phổ biến tại các doanh nghiệp là một điều hết sức cần thiết. Từ đó, nhà thiết kế sẽ cấu trúc chương trình đào tạo theo các chuỗi môn học phù hợp trong hệ thống môn học bắt buộc cũng như tự chọn để định hướng cho sinh viên trong quá trình từ lúc bắt đầu học tập cho đến khi tốt nghiệp. Ngoài ra, việc xác định rõ các định hướng nghề nghiệp của ngành HTTTQL cũng tạo nên một kênh tư vấn quan trọng cho việc tuyển sinh vào ngành. Giúp các em học sinh hiểu rõ về ngành học mà mình sẽ chọn và có được định hướng đúng đắn cho việc lựa chọn của mình.
Từ sự cần thiết trên, bài viết này mong muốn cung cấp một góc nhìn tổng quan về các định hướng nghề nghiệp mà lĩnh vực MIS đang thu hút nhu cầu nhiều nhất ở các doanh nghiệp hiện nay tại Việt Nam. Bài viết cũng mong muốn nhấn mạnh về nhu cầu thực sự đang rất lớn của các doanh nghiệp hiện nay đối với các hướng nghề nghiệp này.
Phần tiếp theo của bài viết sẽ trình bày khái quát về các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có liên quan đến MIS và nhu cầu nhân lực tương ứng của các doanh nghiệp này. Phần này cũng chỉ ra các hướng nghề nghiệp phổ biến hiện nay. Phần ba, bốn và năm đi sâu vào một số hướng nghề nghiệp tiêu biểu đang thu hút nhiều nhân lực nhất cũng như phân tích các kỹ năng kiến thức mà người ứng tuyển cần phải chuẩn bị. Phần kết luận sẽ tổng kết lại những nét chính của ngành HTTTQL và nhu cầu nhân lực chung của ngành trong thời điểm hiện tại cũng như trong những năm sắp tới.
2. Tổng quát về các hướng nghề nghiệp ngành HTTTQL
Khi công nghệ càng phát triển thì nhu cầu nhân lực về lĩnh vực này càng gia tăng. Ngành HTTTQL đào tạo nguồn nhân lực tư vấn, triển khai, vận hành và quản trị các hệ thống thông tin quản lý, hay cụ thể hơn là các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và có lợi thế cạnh tranh hơn. Tùy theo đặc trưng của mảng nghiệp vụ cần quản trị trong doanh nghiệp, ta có thể tạm phân loại các giải pháp hệ thống thông tin quản lý thành các mảng:
1.
Hệ thống ERP: Quản trị tích hợp toàn bộ các hoạt động bên trong của một doanh nghiệp, bao gồm Quản lý nhân sự; Kế toán; Sản xuất; Các hoạt động logistics như giao/nhận, mua hàng, bán hàng; ...
2.
Hệ thống Data warehouse, Big Data và Business Intelligence: Quản trị toàn bộ dữ liệu quá khứ của doanh nghiệp, phân tích và cung cấp những thông tin hữu ích và kịp thời cho nhà quản trị trong việc ra các quyết định kinh doanh.
3.
Hệ thống CRM: Quản trị mối quan hệ khách hàng và toàn bộ các hoạt động liên quan đến khách hàng như tiếp thị, khuyến mãi, chiết khấu, phân tích hành vi tiêu dùng, ...
4.
Hệ thống SCM và SRM: Quản trị toàn bộ các hoạt động liên quan đến chuỗi cung ứng và mối quan hệ nhà cung cấp.
Hiện nay, trong các DN có rất nhiều cơ hội việc làm khác nhau mà sinh viên ngành HTTTQL có thể đảm trách. Nhiều quan điểm cho rằng ngành HTTTQL khi tốt nghiệp cơ hội việc làm liên quan nhiều đến lập trình, nhưng mảng lập trình chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều các hướng nghề nghiệp khác nhau liên quan đến ngành HTTTQL. Các hướng nghề nghiệp của ngành HTTTQL rất đa dạng và cơ hội nghề nghiệp liên quan mật thiết đến các dự án phát triển và triển khai các giải pháp công nghệ thông tin trong tổ chức, doanh nghiệp.
Có thể phân loại các doanh nghiệp có tuyển dụng nhân lực ngành MIS thành 3 nhóm: Nhà cung cấp giải pháp hệ thống thông tin quản lý, Đơn vị tư vấn, giám sát và triển khai, Doanh nghiệp sử dụng/được triển khai. Trong đó, mỗi nhóm doanh nghiệp đều có các nhu cầu khác nhau về nguồn nhân lực ngành HTTTQL. Hình ... thể hiện mối tương quan giữa 3 nhóm doanh nghiệp này.
...
Có rất nhiều giải pháp hệ thống thông tin quản lý đang được cung cấp tại Việt Nam, từ những giải pháp hiện đại nhất trên thế giới hiện nay được cung cấp bởi các tập đoàn hàng đầu như SAP, Oracle, Microsoft cho đến các giải pháp được cung cấp bởi các công ty trong nước như FAST, MISA, Sài Gòn Tâm Điểm, ... Bên cạnh đó, tại Việt Nam hiện nay cũng đang chứng kiến sự phát triển của không ít các đơn vị chuyên triển khai ERP trong nước như FPT IS (Công ty Cổ phần Hệ thống thông tin FPT), Pythis, Diginet, SSG, CMC, HPT, Lạc Việt, Sao Bắc Đẩu, ... cho đến các tập đoàn lớn trên thế giới như BOSCH, CSC VN, GCS VN, ... Ngoài ra, về dịch vụ tư vấn, giám sát các dự án triển khai hệ thống thông tin không thể không kể đến bốn tập đoàn lớn trong nhóm Big4 gồm PwC, KPMG, E&Y và Deloitte. Theo một khảo sát nhanh, nhóm Big4 trong những năm gần đây đang tuyển dụng rất nhiều sinh viên của ngành HTTTQL, một điều có thể gây ngạc nhiên nếu hiểu sai rằng chỉ có các sinh viên ngành Kế toán – Kiểm toán mới được tuyển dụng tại các doanh nghiệp này.
Một giải pháp hệ thống thông tin quản lý được triển khai thường sẽ trải qua các giai đoạn:
1.
Doanh nghiệp sử dụng lựa chọn Đơn vị tư vấn để được tư vấn lựa chọn Nhà cung cấp giải pháp và Đơn vị triển khai.
2.
Đơn vị triển khai lập dự án triển khai và thông qua Doanh nghiệp sử dụng. Đánh giá quy mô dự án và dự trù kinh phí.
3.
Dự án được triển khai.
4.
Huấn luyện và vận hành thực tế (go live).
5.
Quản trị hàng năm.
Tùy theo quy mô triển khai, mỗi giải pháp có thể có giá trị từ hàng tỷ đến hàng chục tỷ với sự tham gia của rất nhiều nhân lực lao động ngành HTTTQL kéo dài có thể nhiều tháng đến vài năm. Trong mỗi giai đoạn, đều xuất hiện nhu cầu nhân lực về những hướng nghề nghiệp khác nhau của ngành HTTTQL.
Ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2 vai trò của các Chuyên gia tư vấn giải pháp hệ thống thông tin (Solution advisor) thể hiện qua việc hỗ trợ doanh nghiệp lựa chọn các giải pháp hay một phần của giải pháp phù hợp với thực trạng và nhu cầu tại doanh nghiệp của mình. Các vị trí nghề nghiệp khác như Chuyên viên quản trị dự án (Project manager), Chuyên viên tư vấn nghiệp vụ (Business consultant), Kỹ sư cầu nối (Bridge engineer), Nhân viên kinh doanh (Erp sales), Nhân viên quan hệ khách hàng (Customer Relation) cũng đóng vai trò quan trọng tại giai đoạn này. Bên cạnh kiến thức chuyên môn về hệ thống thông tin quản lý và các giải pháp hệ thống thông tin quản lý, các vị trí nghề nghiệp này còn đòi hỏi người ứng tuyển phải có kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày, ngoại ngữ, am hiểu kiến thức liên ngành, ...
Ở giai đoạn 3, việc triển khai dự án thường bao gồm các công đoạn từ khảo sát và phân tích nhu cầu, yêu cầu của khách hàng cho đến lựa chọn công nghệ, thiết kế giải pháp, xây dựng và cài đặt giải pháp. Các vị trí nghề nghiệp ở giai đoạn này thường đòi hỏi người ứng tuyển phải am hiểu nhiều về công nghệ thông tin và các kỹ năng phân tích, thiết kế quy trình nghiệp vụ, kiến thức về hệ thống, công nghệ phần mềm. Ngoài các vị trí nghề nghiệp như Chuyên viên tư vấn nghiệp vụ, Kỹ sư cầu nối, ở giai đoạn này còn có các vị trí như Chuyên viên tư vấn kỹ thuật (Technical consultant), Chuyên viên phân tích quy trình (Business Analyst), Thiết kế viên (Designer), Lập trình viên (Programmer), Chuyên viên về quản trị Cơ sở dữ liệu (Database Administrator), Chuyên viên tích hợp hệ thống (System Integrated), Chuyên viên kiểm thử hệ thống (Tester), Chuyên viên về Business Intelligence, ...
Ở giai đoạn 4 và giai đoạn 5, việc huấn luyện đòi hỏi những chuyên viên am hiểu về quy trình hệ thống, các chuyên viên này không đòi hỏi phải có kiến thức sâu về công nghệ thông tin nhưng phải biết sử dụng công nghệ thông tin và am hiểu về các quy trình kinh doanh có liên quan. Thông thường, các chuyên viên này được huấn luyện thành các Chuyên viên huấn luyện người sử dụng (power user, hay key user) và được đào tạo từ các nhân viên (phòng công nghệ thông tin) của Doanh nghiệp sử dụng. Sau khi hệ thống đã được đưa vào vận hành, cả Doanh nghiệp sử dụng và Đơn vị triển khai vẫn phải duy trì công việc quản trị, bảo trì và xử lý các vấn đề phát sinh hàng năm. Hầu hết các Doanh nghiệp sử dụng giải pháp hệ thống thông tin lớn, chẳng hạn như Vinamilk, Unilever VN, ..., đều có Phòng Công nghệ thông tin hay Hệ thống thông tin, chuyên xử lý các vấn đề về công nghệ thông tin và hệ thống thông tin quản lý trong nội bộ. Nắm giữ vị trí cao nhất phụ trách về hệ thống thông tin các doanh nghiệp này thường được gọi là vị trí Giám đốc thông tin (Chief Information Officer - CIO).
Bên cạnh các vị trí nghề nghiệp liên quan đến quá trình tư vấn và triển khai hệ thống thông tin quản lý, các đơn vị khác như giám sát triển khai, kiểm toán hệ thống cũng đòi hỏi những vị trí nghề nghiệp đặc thù của ngành HTTTQL. Một trong số những nghề nghiệp này là Kiểm toán hệ thống thông tin (IT Audit), sẽ được trình bày tại Phần 6.
3. Hướng nghề nghiệp Tư vấn hệ thống
Trước khi một dự án hệ thống thông tin được triển khai thì các bước khởi đầu như tìm doanh nghiệp triển khai, chọn giải pháp, ký hợp đồng,… không phải là dễ dàng vì không đơn giản chỉ phụ thuộc vào đối tác mà còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhân lực bên trong của DN, đặc biệt là tư duy, quan điểm của con người trong tổ chức từ cấp thấp đến cấp cao, phải đồng lòng muốn thay đổi môi trường, chấp nhận cái mới để giúp nâng cao hiệu suất lao động và năng lực cạnh tranh của DN.
Do đó, trong bước khởi động này, các DN tư vấn triển khai các hệ thống thông tin cần nguồn nhân lực có khả năng nhạy bén, linh hoạt, am hiểu về tổ chức, quy trình, cùng với kiến thức về công nghệ kỹ thuật và các vấn đề trong DN để có thể ký kết các hợp đồng thành công. Nguồn nhân lực này bao gồm các vị trí có thể có là Solutions Advisors, Business Consultant, Sales Consultant.
Solutions Advisors là người tư vấn giải pháp, giúp lựa chọn các giải pháp phù hợp với nhu cầu, mục tiêu, năng lực, tài chính,… cho các tổ chức, doanh nghiệp. Solutions Advisors là sự pha trộn độc đáo giữa kỹ năng và kinh nghiệm. Họ phải có các kỹ năng thuyết minh, hùng biện, kiến thức về đa ngành để có thể tư vấn cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau, bên cạnh đó phải am hiểu về các quy trình nghiệp vụ trong doanh nghiệp. Đây là một mẩu tuyển dụng vị trí Solutions Advisors:
...
Những người hỗ trợ cho Solutions Advisor là Business Consultant – người am hiểu cụ thể về một số giải pháp, gói ứng dụng, các module để làm việc trực tiếp và nắm bắt yêu cầu của khách hàng. Họ có nhiệm vụ phân tích các vấn đề tồn tại trong quy trình của doanh nghiệp và đề xuất giải pháp để cải thiện các vấn đề đó, thậm chí họ phải đọc được các báo cáo tài chính, đánh giá các đối thủ cạnh tranh,…Sau khi đã phân tích, Business Consultant sẽ đưa ra giải pháp phù hợp nhất cho khách hàng. Họ cũng phải sử dụng thành thạo các công cụ mô hình hóa để có thể đặc tả yêu cầu khách hàng để truyền tải đến bộ phận triển khai một cách chính xác nhất.
Một vị trí khác trong nhóm nghề tư vấn là Sales Consultant – phải hiểu rõ những lợi ích, ưu điểm của các gói giải pháp và có chiến lược giới thiệu sản phẩm đến các khách hàng khác nhau, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, giám sát tình hình thị trường, các đối thủ cạnh tranh. Thông thường, sinh viên mới tốt nghiệp có thể trang bị thêm các kiến thức cần thiết liên quan đến các gói giải pháp công nghệ hiện nay để có thể đảm nhiệm vị trí Sales.
4. Hướng nghề nghiệp Triển khai Hệ thống
Nhóm nghề thứ hai là các vị trí trong bộ phận triển khai một dự án, gồm: Project Manager (PM), Business Analyst (BA), Technical Consultant, lập trình viên, Tester.
Project Manager (PM) có trách nhiệm phối hợp các nguồn lực bên trong doanh nghiệp và bên thứ ba /nhà cung cấp để thực hiện hoàn hảo dự án:
-
Đảm bảo rằng dự án được thực hiện đúng thời gian, trong phạm vi và trong ngân sách được giao;
-
Hỗ trợ trong việc xác định phạm vi và mục tiêu dự án, tất cả các vấn đề liên quan đến tất cả các bên liên quan và đảm bảo tính khả thi về mặt kỹ thuật;
-
Đảm bảo phân bổ hợp lý các nguồn lực sẵn có;
-
Xây dựng kế hoạch dự án một cách chi tiết để theo dõi và kiểm soát tiến độ;
-
Đo lường hiệu suất dự án, quản lý rủi ro bằng cách sử dụng các công cụ và kỹ thuật phù hợp.
Business Analyst (BA). Có nhiều định nghĩa khác nhau về nghề nghiệp BA (Business Analyst), tuy nhiên hiểu theo cách đơn giản nhất BA chính là người truyền đạt thông tin (Communicator). Nhà phân tích nghiệp vụ BA đóng vai trò là người liên kết giữa các yêu cầu kinh doanh từ khách hàng và các giải pháp phần mềm của nhóm phát triển hệ thống (Brown & Kusiak, 2013). BA là vị trí vô cùng quan trọng trong giai đoạn này, họ là cầu nối giữa khách hàng và nhà cung cấp giải pháp hoặc bộ phận triển khai, có thể nói dự án thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào giai đoạn phân tích nghiệp này. Thành công không đơn thuần chỉ là triển khai và vận hành được hệ thống mà quan trọng là hệ thống có đáp ứng đúng và đủ các yêu cầu khách hàng đưa ra và giải quyết được các vấn đề của khách hàng. Do đó, các BA nắm bắt, hiểu chính xác, phân tích và tổng hợp thông tin được cung cấp bởi một số lượng lớn những người tương tác với doanh nghiệp như: khách hàng của doanh nghiệp triển khai, nhân viên, các chuyên gia IT và các nhà quản lý. Các nhà phân tích nghiệp vụ có trách nhiệm khám phá ra nhu cầu thực tế của các bên liên quan, chứ không phải đơn nhuần là ghi nhận những mong muốn của họ. Trong nhiều trường hợp, các nhà phân tích nghiệp vụ đóng vai trò thông tin liên lạc giữa các đơn vị trong doanh nghiệp và trở thành “người thông dịch" giữa các nhóm khác nhau.
Technical Consultant phải am hiểu kỹ lưỡng về các kỹ thuật trong công nghệ thông tin, có khả năng giao tiếp và truyền đạt để có thể làm việc tốt với Project Manager, team leader; phải đảm bảo được đúng tiến độ của quy trình. Cùng với BA, Technical Consultant cũng là thành phần quan trọng làm nên sự thành công của dự án vì Technical Consultant sẽ là cầu nối chính từ BA đến những người xây dựng ứng dụng, là người thực hiện hóa các báo cáo của BA.
Lập trình viên và Tester là những người tham gia trực tiếp vào giai đoạn hình thành sản phẩm, sẽ thực hiện theo các thiết kế của giai đoạn phân tích.
5. Hướng nghề nghiệp Vận hành Hệ thống
Hướng nghề nghiệp tiếp theo là nhóm vận hành hệ thống, bao gồm các Trainer, Key User, Trưởng phòng IT, các chuyên viên phòng IT. Trainer là những người rất am hiểu về một vài quy trình trong hệ thống phần mềm vừa triển khai và có nhiệm cụ hướng dẫn lại các user trong doanh nghiệp để đưa vào sử dụng. Một trainer phải hiểu rất rõ, nắm từng thao tác nghiệp vụ của quy trình nên thông thường họ sẽ là chuyên gia trong một hoặc hai quy trình trong hệ thống, hiếm người nào có thể là chuyên gia trong tất cả các quy trình. Trainer sẽ đào tạo một vài user trong doanh nghiệp nắm thật rõ mảng quy trình nào đó và họ sẽ là Key User trong doanh nghiệp để hỗ trợ các chuyên viên khác thực hiện các thao tác nghiệp vụ. Các chuyên viên phòng IT như: quản trị hệ thống, quản trị Cơ sở dữ liệu, quản trị mạng, …
6. Hướng nghề nghiệp Khai thác Hệ thống
Với hướng nghề nghiệp khai thác hệ thống, một số cơ hội nghề nghiệp trong nhóm nghề này liên quan đến lĩnh vực Business Intelligent (BI) như: big data, data mining, data warehouse, …
Business Inteligence được hiểu là giải pháp quản trị doanh nghiệp thông minh, là một hệ thống báo cáo cho phép doanh nghiệp (DN) khai thác dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau về khách hàng (KH), thị trường, nhà cung cấp, … và phân tích/sử dụng các dữ liệu đó thành các nguồn thông tin có ý nghĩa nhằm hỗ trợ việc ra quyết định cả cấp lãnh đạo. Thông thường cấu trúc một bộ giải pháp BI nay đủ gồm một kho dữ liệu (data warehouse) và các bộ báo cáo, bộ chỉ tiêu quản lý hiệu năng TC/DN (Key Perfomance Indicators – KPIs), các dự báo và phân tích giả lập (Balance Scorecards, Simulation and Forecasting…)
Theo khảo sát của Gartner đối với các CIO trong nhiều năm trở lại đây cho thấy giải pháp BI luôn đứng đầu trong thứ tự ưu tiên về nhu cầu đầu tư công nghệ của doanh nghiệp (DN). Trải qua hai mươi năm phát triển, ngày nay hệ thống BI đã dần trở nên hoàn thiện và có xu hướng đáp ứng bốn nhu cầu quan trọng mà người quản trị luôn mong đợi đó là: Data Warehouse - Khai thác dữ liệu tập trung; Analysis - Báo cáo phân tích cao cấp; Monitoring - Giám sát và cảnh báo tự động; Planning and Forecasting - Dự đoán và lên kế hoạch.
7. Hướng nghề nghiệp Kiểm toán Hệ thống thông tin
Kiểm toán Hệ thống thông tin (IT Audit) là một vị trí nghề nghiệp được xem là gắn liền với sự phát triển của các giải pháp hệ thống thông tin quản lý tại Việt Nam trong những năm gần đây. Bốn doanh nghiệp trong nhóm Big4 và các doanh nghiệp kiểm toán khác thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng về vị trí này, và thường tuyền sinh viên ưu tiên tốt nghiệp từ ngành HTTTQL.
Quá trình kiểm toán hệ thống thường là một giai đoạn quan trọng khi doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán một doanh nghiệp có triển khai các hệ thống thông tin trong quản trị. Kiểm toán viên hệ thống cần phải am hiểu cả kiến thức về kế toán, kiểm toán cũng như kiến thức về hệ thống thông tin quản lý để có thể kiểm tra các quy trình tự động của các phần mềm xử lý, các số liệu được lưu trữ số hóa trong các máy chủ cơ sở dữ liệu, các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, ... Đây chính là nét đặc trưng của ngành HTTTQL: sự giao thoa giữa quản trị kinh doanh và công nghệ thông tin.
Để làm tốt công việc kiểm toán hệ thống, sinh viên cần được trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản của ngành kế toán – kiểm toán, luôn được đưa vào như là một phần trong chương trình đào tạo của ngành HTTTQL, và kiến thức về công nghệ thông tin. Ngoài ra, các kỹ năng mềm như khả năng làm việc độc lập, kỹ năng đọc tài liệu, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng chịu áp lực làm việc cao, kiến thức về ngoại ngữ cũng rất cần thiết.
8. Kết luận
Cùng với sự hội nhập và phát triển của nước ta trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp được hình thành ngày càng nhiều và nhu cầu chuyên nghiệp hóa công việc quản trị dần trở thành mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh và tối ưu hóa hiệu quả của các hoạt động quản lý kinh doanh. Từ đó, số lượng doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sử dụng các giải pháp hệ thống thông tin quản lý sẽ ngày càng nhiều hơn. Điều này kéo theo những nhu cầu rất lớn về nhân lực trong ngành HTTTQL, ở cả các doanh nghiệp cung cấp giải pháp hay doanh nghiệp tư vấn, triển khai, giám sát, kiểm toán hay các doanh nghiệp sử dụng giải pháp.
Như đã trình bày ở trên, đặc trưng của ngành HTTTQL là tính liên ngành, là sự giao thoa giữa hai lĩnh vực quản trị kinh doanh và công nghệ thông tin ứng dụng trong doanh nghiệp. Sinh viên ngành HTTTQL cần được đào tạo cả về kiến thức quản trị doanh nghiệp/tổ chức lẫn kiến thức về kỹ thuật, công nghệ. Ngành HTTTQL sẽ là lựa chọn phù hợp với các em học sinh có sự yêu thích ở cả hai lĩnh vực này. Bên cạnh đó, do yếu tố hiện đại của công nghệ, các sinh viên ngành HTTTQL – đặc biệt khi được tuyển dụng bởi các doanh nghiệp thuộc nhóm cung cấp giải pháp, tư vấn, giám sát, triển khai và kiểm toán – thường dễ dàng có mức lương trung bình cao hơn mặt bằng chung so với các lĩnh vực khác ở thời điểm hiện nay. Và hơn nữa, các doanh nghiệp tuyển dụng thường có quy mô lớn, có nhiều yếu tố nước ngoài (như khách hàng, đối tác) hay hoàn toàn là doanh nghiệp nước ngoài, điều này dẫn đến sinh viên thường được làm việc trong môi trường tích cực, năng động, đòi hỏi khả năng giao tiếp ngoại ngữ và có nhiều cơ hội được đi làm việc tại nước ngoài.
Qua bài viết này, tác giả tin tưởng rằng trong những năm sắp tới, ngành HTTTQL tại Việt Nam sẽ còn được trưởng thành và phát triển nhanh chóng như một điều tất yếu trong sự phát triển chung của xã hội và của doanh nghiệp. Và điều này đã, đang và sẽ tạo nên một phân luồng mới trong các hướng đào tạo đại học hiện nay: Hướng đào tạo về Ngành Hệ thống thông tin quản lý.