Tóm tắt
Ngành Hệ thống thông tin quản lý, thuộc Khoa Hệ thống thông tin, trường Đại học Kinh tế - Luật là một ngành có những đặc thù riêng trong Trường với mục tiêu đào tạo cử nhân có đầy đủ kiến thức chuyên môn cần thiết về tin học, kinh tế và quản lý; am hiểu và có khả năng vận dụng kiến thức chuyên môn được đào tạo để giải quyết các vấn đề cụ thể trong quản lý và điều hành các tổ chức, đơn vị, và doanh nghiệp; có khả năng tiếp cận thực tiễn nhanh và kỹ năng thực hành tốt trên các hệ thống phần mềm quản trị tiên tiến. Trải qua 12 năm xây dựng và phát triển, Khoa Hệ thống thông tin đã liên tục đổi mới, cập nhật, từ chương trình đào tạo đến phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ trong giảng dạy nhằm mục tiêu gắn kết chặt chẽ chương trình đào tạo với nhu cầu thực tế của xã hội, sẵn sàng thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng trong cách thức quản lý và điều hành của các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trong thời đại mới. Những thay đổi này đã mang lại sự chuyển mình và những thành công to lớn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và giúp Khoa Hệ thống thông tin từng bước trở thành đơn vị đào tạo có uy tín trong lĩnh vực Hệ thống thông tin quản lý đối với xã hội trong những năm gần đây.
1. Giới thiệu
Với tiền thân là Bộ môn Tin học quản lý, được thành lập theo Quyết định số 138/QĐ/KKT ngày 02/12/2003 của Trưởng Khoa Kinh tế trực thuộc Đại học quốc gia Tp.HCM, Khoa Hệ thống thông tin thuộc Trường Đại học Kinh tế – Luật được thành lập theo quyết định số 96/QĐ-ĐHKTL-TCHC ngày 01/07/2010 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế – Luật. Trải qua quá trình 12 năm xây dựng và phát triển, Khoa Hệ thống thông tin hiện nay có hai chuyên ngành đào tạo chính là Hệ thống thông tin quản lý (MIS - Management Information System) và Thương mại điện tử (E-Commerce). Trong đó, ngành Hệ thống thông tin quản lý được triển khai đào tạo bậc đại học từ năm 2004 (Khóa đào tạo K04), đến nay đã có 8 khóa sinh viên tốt nghiệp và 4 khóa đang trong quá trình đào tạo (Khóa K15 – K12) .
Ngành Hệ thống thông tin quản lý tuy là một ngành đã được đào tạo ở rất nhiều trường đại học trên thế giới như University of Miami (USA), University of Arizona (USA), National University of Singapore, …, nhưng còn khá mới và chỉ thực sự phát triển trong những năm gần đây ở Việt Nam, với sự tham gia đào tạo của các trường đại học lớn như Trường Đại học Kinh tế - Luật, Trường Đại học Bách Khoa Tp.HCM, Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM, Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM, … Sự phát triển của ngành Hệ thống thông tin quản lý gắn liền với xu hướng ứng dụng hệ thống thông tin không chỉ giới hạn ở các doanh nghiệp lớn tầm cỡ đa quốc gia mà đang lan rộng trong tất cả các doanh nghiệp, kể các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các nước đang phát triển như ở Việt Nam. Đặc biệt là trong thời đại bùng nổ thông tin, nhu cầu xây dựng, phát triển và quản lý hệ thống thông tin nhằm gia tăng ưu thế cạnh tranh và tạo cơ hội cho doanh nghiệp ngày càng đòi hỏi những chuyên gia giỏi về hệ thống thông tin ứng dụng trong quản trị doanh nghiệp tại Việt nam. Yêu cầu của những chuyên gia này không những đòi hỏi phải nắm vững kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin mà còn phải am hiểu tương đối chính xác về các khái niệm, về bản chất các nghiệp vụ kinh doanh và cơ chế hoạt động của hệ thống quản lý nhằm hỗ trợ cấp lãnh đạo ra quyết định một cách kịp thời, chính xác, đáp ứng nhu cầu phát triển của hệ thống. Vì vậy, việc đào tạo và sử dụng nhân lực hệ thống thông tin quản lý mang một ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của đất nước.
Đứng trước những thực trạng này, Trường Đại học Kinh tế - Luật từ năm 2004 đã lựa chọn, xây dựng và phát triển đào tạo ngành Hệ thống thông tin quản lý nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết của đất nước về nguồn nhân lực hệ thống thông tin để phục vụ sự nghiệp đổi mới cơ chế quản lý, cải cách hành chính, cải tiến quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, … sẵn sàng cho xu thế hội nhập khu vực và trên thế giới.
Chương trình đào tạo ngành Hệ thống thông tin quản lý của Trường Đại học Kinh tế - Luật hướng đến mục tiêu đào tạo các chuyên gia có kiến thức tổng hợp trong các lĩnh vực Quản trị kinh doanh và Hệ thống thông tin, đào tạo cử nhân kinh tế có đầy đủ kiến thức chuyên môn cần thiết về công nghệ thông tin, kinh tế và quản lý, có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh và quản lý, đáp ứng được nhu cầu quản lý hiện đại, đảm bảo cho quá trình vận hành hệ thống thông tin phục vụ tốt nhất mục tiêu kinh doanh của tổ chức. Qua nhiều khóa sinh viên tốt nghiệp, Khoa Hệ thống thông tin đã phần nào góp phần gia tăng cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực Hệ thống thông tin cho xã hội và nhận được nhiều phản hồi rất tốt từ phía các nhà tuyển dụng, các doanh nghiệp và tổ chức. Với lợi thế đa ngành và liên ngành giữa Kinh doanh, Quản lý và Công nghệ thông tin, sinh viên tốt nghiệp ngành Hệ thống thông tin quản lý có thể làm việc tại khá nhiều vị trí: Kỹ sư cầu nối (Bridge Engineer), Tư vấn giải pháp Công nghệ thông tin cho quản trị (Solution Advisor), Phân tích viên (Business Analyst), Quản trị Cơ sở dữ liệu & Hệ thống (Database Administrator - DBA), Kiểm toán Hệ thống thông tin (IT Audit), Quản trị dự án Công nghệ thông tin (IT Project Manager), Tích hợp Hệ thống (System Integrated), Kiểm thử hệ thống (Tester), Tư vấn triển khai Hệ thống thông tin quản lý và ERP (Business Consultant & Technical Consultant), Chuyên viên Business Intelligence & Phân tích dữ liệu (BI & Data analytic), Giám đốc thông tin (Chief Information Officer – CIO).
Nhằm cung cấp một góc nhìn tổng quan về quá trình 12 năm xây dựng và phát triển ngành Hệ thống thông tin quản lý (2004 – 2015), cũng như hòa chung với không khí tưng bừng chào mừng 15 năm xây dựng và phát triển của trường Đại học Kinh tế - Luật (2001 - 2015), bài viết này mong muốn khái quát những thành công đạt được của tập thể Khoa Hệ thống thông tin qua đó xác định các thế mạnh và ưu điểm khác biệt của chương trình đào tạo so với các ngành khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh tế và quản lý.
Phần hai và Phần ba của bài viết trình bày về quá trình đổi mới chương trình đào tạo trong suốt quá trình từ lúc thành lập Ngành cho đến nay và những nỗ lực của tập thể giảng viên Khoa Hệ thống thông tin trong việc thích ứng với sự thay đổi của chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất trước những biến chuyển nhanh chóng của nhu cầu thực tế của xã hội và doanh nghiệp trong lĩnh vực Hệ thống thông tin quản lý. Trong toàn bộ quá trình đổi mới này, Khoa xác định rằng doanh nghiệp đóng một vai trò then chốt, và từ đó, việc xây dựng mối quan hệ doanh nghiệp tốt là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Khoa, sẽ được trình bày ở Phần bốn. Và cuối cùng, Phần Kết luận tóm lược các nội dung đã trình bày và vạch ra những hướng phát triển trong tương lai.
2. Quá trình đổi mới nhằm gắn kết chương trình đào tạo với nhu cầu thực tế của xã hội, doanh nghiệp
Quá trình 12 năm xây dựng và phát triển ngành Hệ thống thông tin quản lý tại trường Đại học Kinh tế - Luật gắn liền với quá trình bùng nổ công nghệ thông tin trong thời đại mới. Các ứng dụng của hệ thống thông tin quản lý được triển khai ngày càng nhiều tại các tổ chức, doanh nghiệp dưới hình thức các hệ thống phần mềm quản trị nguồn lực, các hệ thống tích hợp quản trị toàn diện các mảng quy trình nghiệp vụ, góp phần nâng tầm quy mô, phạm vi và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Đứng trước nhu cầu thực tế của xã hội và sự thay đổi, phát triển nhanh chóng của công nghệ, để hoàn thành tốt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng am hiểu và tham gia tổ chức, vận hành các hệ thống quản trị tiên tiến, ngành Hệ thống thông tin quản lý đã liên tục có những thay đổi, bổ sung và cải tiến nội dung cũng như cấu trúc chương trình đào tạo trong những năm qua. Những thay đổi này đều được xây dựng dựa trên các phân tích, khảo sát kỹ lưỡng về nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như dựa trên góp ý của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh tế và quản lý, từ đó, nhận được sự nhất thông qua 100% của Hội đồng Khoa và Hội đồng Khoa học của nhà trường.
Cụ thể, bắt đầu từ Khóa đào tạo 2009 (K09), sau khi hai khóa sinh viên đầu tiên ra trường (K04 và K05), ngành Hệ thống thông tin quản lý đã bắt đầu có sự thay đổi lớn đầu tiên, áp dụng cho Khóa K09 và K10, nhằm hướng mục tiêu đào tạo đi sâu hơn vào các hệ thống quản trị doanh nghiệp, phần mềm quản lý và thương mại điện tử, khai thác thế mạnh và sự khác biệt của ngành là sự liên ngành giữa Công nghệ thông tin và Kinh tế - Quản lý. Sự thay đổi này đã được chứng minh tính hiệu quả khi Khóa K09, K10 tốt nghiệp (tháng 6/2012 và 6/2013) đã có 90% sinh viên có việc làm phù hợp với các hướng nghiên cứu của ngành đào tạo . Nhiều sinh viên K09, K10 được tuyển dụng vào các doanh nghiệp hàng đầu về Hệ thống thông tin quản lý và các lĩnh vực liên quan như Global CyberSoft VN (GCS), ROBERT BOSCH VN, CSV VN, FPT IS, PwC, E&Y, Harvey Nash, KMS Technology, … (số liệu tại cổng thông tin Student Relationship Management – StRM, http://mis.uel.edu.vn/10mis). Thành công của Khóa đào tạo K09, K10 đã tạo nên những uy tín bước đầu của Trường Đại học Kinh tế - Luật trong Ngành đào tạo Hệ thống thông tin quản lý đối với các doanh nghiệp lớn cũng như các trường khác có cùng ngành đào tạo. Các doanh nghiệp lớn đã bắt đầu quan tâm và đặt yêu cầu hợp tác, tài trợ và tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp của trường.
Tiếp nối thành công của sự thay đổi đầu tiên, và nhận thấy sự phát triển mang tính bùng nổ của lĩnh vực Hệ thống thông tin quản lý tại các doanh nghiệp trong những năm 2010, tháng 09/2012, Trường Đại học Kinh tế - Luật đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học Hệ thống thông tin quản lý trong Doanh nghiệp. Hội thảo đã diễn ra thành công với sự tham gia của các giáo sư đến từ trường Đại học tại Nhật Bản (Tokyo University of Information Sciences); Đại diện các doanh nghiệp cung cấp và sử dụng giải pháp Hệ thống thông tin quản lý trong doanh nghiệp như Công ty Global CyberSoft, Công ty Điện tử Tin học Sài Gòn, Công ty IBM, Công ty Thế giới di động,…; Đại diện các trường đại học tại Tp. HCM như Đại học Bách Khoa TP. HCM, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Ngân hàng, Đại học Tài chính – Marketing, Đại học Văn Lang, …; và các đơn vị truyền thông như HTV9, báo Tuổi Trẻ.
Sự thành công của Hội thảo đã dẫn đến những thay đổi tích cực tiếp theo trong chương trình đào tạo Ngành Hệ thống thông tin quản lý áp dụng cho Khóa đào tạo K11 (từ năm hai) và K12 với chuyển biến quan trọng khi tập trung sâu hơn vào các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị doanh nghiệp, các nền tảng công nghệ mới như Clouding Computing, Big Data và Business Intelligence. Cùng với thay đổi này, Ngành đào tạo cũng đã xây dựng các định hướng nghề nghiệp rõ nét từ các chuỗi môn học để sinh viên, với sự tư vấn của cố vấn học tập, có thể chọn cho mình những định hướng nghề nghiệp yêu thích ngay từ khi bắt đầu vào năm học thứ hai . Ngoài ra, chương trình đào tạo từ Khóa K11, K12 còn thể hiện sự nổi bật khi Khoa Hệ thống thông tin đã mạnh dạn triển khai các phần mềm quản trị doanh nghiệp tiên tiến làm công cụ thực hành và hỗ trợ giảng dạy cho các môn học. Nhiều môn học đã được gia tăng về số tín chỉ cũng như chất lượng của phần nội dung thực hành, gắn giảng dạy lý thuyết với thực tiễn quản trị tại các doanh nghiệp thông quan việc liên tục tổ chức các sự kiện giao lưu sinh viên – doanh nghiệp và các chuyến tham quan thực tế. Năm 2012 (Khóa K12) cũng là một cột mốc đáng nhớ khi là năm đầu tiên trường đại học Kinh tế - Luật cùng với Đại học Việt Đức và RMIT, sự kiện là một trong 3 trường đại học đầu tiên của Việt Nam tham gia vào SAP UAP và trở thành thành viên của liên minh hơn 1000 trường đại học trên thế giới trong SAP University Alliances Program (SAP UAP) của tập đoàn lớn nhất thế giới về các giải pháp quản trị doanh nghiệp SAP. Việc tham gia SAP UAP với sự tài trợ 5000 AUD mỗi năm của công ty Global CyberSoft VN đã không những chỉ mang lại những tài nguyên hỗ trợ giảng dạy quý giá cho chương trình đào tạo mà còn góp phần thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa nhà trường và các doanh nghiệp hàng đầu như GCS, SAP và các doanh nghiệp đối tác, khách hàng của SAP như BOSCH, FPT, CSC VN, …
Với tư cách là một thành viên trong cộng đồng liên minh trên 1000 trường đại học tại hơn 50 quốc gia trên khắp thế giới, trong đó có Mỹ, Nhật bản, Úc, Singapore, Đức…, trường đại học Kinh tế - Luật đã nhận được nhiều hỗ trợ thông qua việc tiếp cận các chương trình đào tạo, hệ thống bài giảng của tất cả trường đại học thành viên trong liên minh, tiếp cận cộng đồng các doanh nghiệp là đối tác của SAP, và quan trọng hơn, được cung cấp Hệ thống phần mềm quản trị nguồn lực doanh nghiệp với toàn bộ dữ liệu của một doanh nghiệp mẫu có quy mô đa quốc gia. Những hỗ trợ này sẽ góp phần rất lớn tạo nên những bổ sung cần thiết cho chương trình đào tạo ngành Hệ thống thông tin quản lý, cũng như các khối ngành khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh và quản lý của trường đại học Kinh tế - Luật, hướng đến việc gắn kết nhiều hơn chương trình đào tạo với nhu cầu thực tế của xã hội.
Từ đó đến nay, Ngành Hệ thống thông tin quản lý đã tiếp tục có những thay đổi nhằm phát huy các thế mạnh đào tạo và gắn kết nhiều hơn chương trình đào tạo với nhu cầu thực tế của xã hội và của các doanh nghiệp, cụ thể với sự thay đổi ở chương trình đào tạo Khóa K13, K14 và gần đây nhất là chương trình đào tạo của Khóa K15, khi hòa chung với sự thay đổi của toàn trường nhằm tăng tính liên ngành, song ngành giữa các chương trình đào tạo, giúp mở rộng các điểm mạnh của chương trình đào tạo của ngành Hệ thống thông tin quản lý cho các ngành đào tạo khác thuộc khối ngành Kinh doanh và Quản lý của trường Đại học Kinh tế - Luật.
3. Đổi mới phương pháp giảng dạy
Không chỉ chú trọng vào đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy cũng được các giảng viên của Khoa Hệ thống thông tin chú trọng để phù hợp với các nội dung truyền tải mang tính đặc thù của chuyên ngành đào tạo.
Như đã trình bày ở trên, ngành Hệ thống thông tin quản lý có đặc thù gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tiễn về quản trị dựa trên nền tảng công nghệ thông tin của doanh nghiệp. Sinh viên sau khi tốt nghiệp cần có đầy đủ không chỉ kiến thức mà còn là kỹ năng để có thể sẵn sàng tham gia ngay vào các hoạt động triển khai và vận hành các hệ thống quản trị tại các doanh nghiệp có quy mô lớn, các công ty, tập đoàn đa quốc gia. Do đó, các giảng viên cần đổi mới và lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp để có thể từng bước trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết lồng vào trong các kiến thức chuyên môn cần truyền tải. Cụ thể, hầu hết các môn học cơ sở ngành và chuyên ngành đều áp dụng các phương pháp giảng dạy theo tiêu chí lấy người học làm trung tâm, phát huy khả năng sáng tạo và chủ động tương tác với giảng viên trong giờ học, phát huy kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng sử dụng ngoại ngữ trong kiến thức chuyên ngành. Trong quá trình học các môn học, sinh viên được khuyến khích áp dụng kiến thức đã học để thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học sinh viên hay thực hiện các đồ án môn học, đồ án miễn thi từ nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp.
Với các kiến thức chuyên ngành mang tính rộng nhưng không sâu, phương pháp giảng dạy theo tình huống (case-study) được vận dụng để sinh viên dễ hình dung và kết hợp kiến thức với thực tiễn tại doanh nghiệp. Đặc biệt đối với các môn học liên quan đến các hệ thống ERP, tích hợp các qui trình kinh doanh, logistics, hệ thống thông tin kế toán, sinh viên được giảng dạy và thực hành trực tiếp trên các hệ thống phần mềm chuyên nghiệp do các doanh nghiệp tài trợ như hệ thống phần mềm kế toán của công ty Sài Gòn Tâm Điểm, hệ thống phần mềm quản trị nguồn lực SAP ERP của tập đoàn SAP. Với các hệ thống này và phương pháp giảng dạy theo tình huống, mỗi sinh viên được đóng vai trò như một nhân viên tại doanh nghiệp, có một tài khoản truy cập và không gian dữ liệu riêng trong hệ thống. Qua đó, sinh viên được tham gia vào các qui trình kinh doanh tích hợp (integrated business processes) để giải quyết các tình huống kinh doanh thực thụ. Với việc tham gia vào liên minh các trường đại học trên thế giới, SAP UAP, được trình bày ở phần sau, trường đại học Kinh tế - Luật được tiếp cận với hệ thống khổng lồ các bài giảng và tình huống kinh doanh liên quan đến tất cả các lĩnh vực của Hệ thống thông tin quản lý như ERP, CRM (Customer Relationship Management), SCM (Supply Chain Management), HCM (Human Capital Management), AIS (Accounting Information System), …, qua đó đã tạo thuận lợi rất lớn để các giảng viên của Khoa mạnh dạn sử dụng phương pháp giảng dạy này.
4. Tăng cường mối quan hệ doanh nghiệp
Tăng cường mối quan hệ doanh nghiệp là mối quan tâm hàng đầu của tập thể Khoa Hệ thống thông tin trong quá trình xây dựng và phát triển chương trình đào tạo cho Ngành Hệ thống thông tin quản lý. Xuất phát từ đặc thù của chuyên ngành đào tạo và nhu cầu về các giải pháp ứng dụng công nghệ trong quản trị, doanh nghiệp là thành phần không thể thiếu trong Hội đồng Khoa, Hội đồng tư vấn ngành và đóng một vai trò quan trọng trong đội ngũ thiết kế và xây dựng chương trình đào tạo.
Từ số lượng chưa tới 10 doanh nghiệp cộng tác vào năm 2008, đến thời điểm hiện nay, Khoa Hệ thống thông tin đã có trên 100 doanh nghiệp có quan hệ hợp tác, hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng và tài trợ . Trong số này có rất nhiều doanh nghiệp hàng đầu như tập đoàn BOSCH, Global CyberSoft VN, FPT IS, CSC VN, KMS Technology, SAP VN, Tập đoàn DOOSAN, Philips, Sony, Vinamilk, Coopmart, Điện máy Chợ lớn, Nguyễn Kim, Bút bi Thiên Long, Bitis, Thế giới di động, Mắt Bão, các công ty lớn về kiểm toán hệ thống thông tin hàng đầu thế giới như Ernst & Young, PwC (PricewaterhouseCoopers), KPMG, các công ty thành viên Hiệp hội Thương mại điện tử VN, …
Không chỉ quan trọng đối với vai trò hỗ trợ thiết kế chương trình đào tạo, trong những năm qua, mối quan hệ doanh nghiệp tốt còn đóng vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ Khoa Hệ thống thông tin tổ chức các sự kiện giao lưu, gặp gỡ sinh viên - doanh nghiệp hàng năm; các sự kiện ngày hội tuyển dụng thực tập, việc làm; các khóa tập huấn kỹ năng mềm; các đợt tuyển dụng sinh viên kiến tập, thực tập và tuyển dụng chính thức. Ngoài ra, doanh nghiệp còn là nguồn cung cấp tài trợ cho Khoa trong nhiều hoạt động, cũng như tài trợ học bổng cho sinh viên vượt khó trong những năm qua. Thời điểm năm 2013 cũng là năm đánh dấu sự ra đời của Quỹ Học bổng Nhân Bản , được thành lập bởi các cá nhân đến từ các doanh nghiệp lớn như GCS, SAP VN, TabViet,...
Mối quan hệ doanh nghiệp tốt cũng giúp cho sinh viên Ngành Hệ thống thông tin quản lý của Khoa dễ dàng tìm kiếm được các công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp. Theo khảo sát những năm gần đây, nhiều sinh viên khá giỏi của Khoa được tuyển dụng chính thức ngay từ đầu học kỳ thứ tám của chương trình học với mức lương khởi điểm từ 8 - 12 triệu trở lên. Nhiều sinh viên có mức lương đạt đến 15 - 20 triệu sau một đến hai năm làm việc. Một số công ty lớn như BOSCH, KMS, Global CyberSoft, SAP VN có chính sách đặt hàng sinh viên ngành MIS của Khoa ngay từ năm học thứ ba. Sinh viên tốt nghiệp của Ngành cũng dễ dàng có cơ hội đi làm việc tập huấn tại nước ngoài như Nhật, Mỹ, Đức, Malaysia,… do khách hàng của các công ty lớn thường là đối tác nước ngoài.
5. Kết luận
Trải qua quá trình 12 năm xây dựng và phát triển, ngành Hệ thống thông tin quản lý tại trường Đại học Kinh tế - Luật đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Chuyển mình từ một ngành mới hoàn toàn tại Việt Nam, đến nay trường Đại học Kinh tế - Luật đã trở thành một đơn vị đào tạo có uy tín đối với doanh nghiệp và xã hội trong lĩnh vực Hệ thống thông tin quản lý. Những kết quả này đã khẳng định quan điểm phát triển và đổi mới đúng đắn của tập thể giảng viên Khoa Hệ thống thông tin trong nhiều năm qua, từ việc gắn kết chặt chẽ chương trình đào tạo với nhu cầu thực tế của xã hội, đến đổi mới phương pháp giảng dạy, khẳng định vai trò then chốt của việc tăng cường hợp tác với doanh nghiệp.
Trong những năm phát triển tiếp theo, bên cạnh việc phát huy các ưu điểm đã đạt được, Khoa Hệ thống thông tin nói riêng và trường Đại học Kinh tế - Luật nói chung cần phải làm nhiều việc hơn nữa để có thể đưa ngành đào tạo Hệ thống thông tin quản lý trở thành một ngành trọng điểm tại Việt Nam cũng như đối với thế giới. Trong đó, kế hoạch triển khai thiết kế và xây dựng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn CDIO (Conceive – Design – Implement – Operate) hướng tới kiểm định chất lượng AUN (ASEAN University Network) là những bước đi đầu tiên tiếp theo của những năm sắp tới.